Bánh Gai Bà Thi

Người xưa đã thường sử dụng những sản phẩm từ cây trồng để làm nên các món ăn, các loại bánh mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Đến giờ, du khách đến mỗi địa phương đều có thể tìm cho mình một món ẩm thực khoái khẩu trong đó có các loại bánh như: Bánh cốm- Hà Nội, Bánh Phu thê- Bắc Ninh, Bánh cáy- Thái Bình, Bánh đậu xanh- Hải Dương... Và Nam Định có bánh Gai mà phải là bánh Gai Bà Thi mới ngon.

Bánh Gai bà Thi cái tên đó bắt nguồn từ đâu? Nghe các cụ kể lại rằng: Những ngày đầu trên đường Trần Hưng Đạo xuất hiện một hàng bánh gai, người bán hàng đứng tuổi với gương mặt phúc hậu xếp những khay đựng bánh gai đặt trong đôi quang gánh bằng mây niềm nở bán hàng. Đó là hàng bánh gai Bà Thi. Những ai đã từng ăn bánh của bà thì không thể nào quên được cách tiếp khách niềm nở sự ân cần của bà khi chỉ cho khách cách bóc bánh sao cho khỏi dính lá, cách ăn bánh sao cho khỏi rơi nhân. Bà Thi không trực tiếp làm bánh, nhưng nhờ cái duyên bán hàng mà bánh Gai của bà bán rất chạy và lâu dần người dân quen gọi là bánh Gai Bà Thi. Thậm chí cho đến bây giờ cái tên gọi đó vẫn quen thuộc không chỉ với người dân Thành Nam mà còn trên cả nước, thậm chí còn theo chân những du khách và nhất là Việt Kiều vượt khỏi biên giới quốc ga.


Có người cho rằng, Bánh Gai Hải Dương cũng nổi tiếng không kém. Nhưng Bánh Gai Nam Định- Bánh Gai Bà Thi vẫn giữ được hương vị riêng truyền thống. Lá gai có nhiều nơi trồng, nhưng lá gai ít chát có độ ngậy và thơm hơn cả là lá gai Trực Ninh, Xuân Trường. Bột gạo nếp xay mịn trộn với lá gai giã nhỏ, nhân làm bằng đỗ xanh đồ trộn với đường trắng, điểm thêm vài hạt mứt sen, một ít cùi dừa nạo nhỏ, vài ba miếng mỡ thái khổ, lần ngoài bánh rắc ít vừng rang thơm. Những viên mỡ trong veo long lanh hoà quyện với dừa và hạt sen ẩn mình bên trong lớp đậu xanh, khiến cho người ăn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bánh gói bằng lá chuối khô sạch đặc biệt là lá chuối ngự mua ở xã Nhân Hậu, Nhân Tiến, Lý Nhân- Hà Nam. Lá chuối ngự thường mềm và dai, có chất lụa gói đẹp. Nếu dùng lá chuối goòng (chuối tây) gói thường bị gãy và có chất chát ngấm vào bánh, làm giảm chất lượng bánh. Sau đó buộc bằng một sợi lạt giang nhuộm đỏ, buộc thành từng sâu 5 cái một. Do chế biến như thế, bánh Gai vừa có độ thơm, dẻo của gạo nếp, vừa có độ ngọt của đường, độ béo ngậy của mỡ, bùi bùi của đỗ xanh và dừa nạo, mà khi nhai thì nghe cứ sần sật.




Lá gai - nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh


Bánh gai Nam Định đặc biệt là bánh Gai Bà Thi thì dù có để lâu vẫn giữ được độ thơm, độ mềm dẻo, và béo ngậy. Bánh Gai người ta không ăn lấy no mà chỉ ăn cho đỡ thèm. Ngày nay, về Nam Định đi dọc phố Trần Hưng Đạo ta có thể bắt gặp rất nhiều cửa hàng bày bán bánh Gai Bà Thi. nhu cầu của người dân thì cũng xuất hiện thêm nhiều tuyến phố bày bán bánh Gai Bà Thi trong đó phải kể đến đường Điện Biên từ dưới Bến xe lên đến tận cầu ốc. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống thì nghề làm bánh Gai và bán Bánh Gai đã giải quyết số lượng lớn lao động trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Cùng với bánh Nhãn, Kẹo Sìu Châu, Bánh Gai Bà Thi đã làm phong phú thêm nét văn hoá ẩm thực của Thành Nam và của cả nước. Nhiều du khách nhất là Việt Kiều về quê ăn tết hàng năm đều ra đi với những xấp bánh gai nằm lặng lẽ trong valy như gói ghém tâm tình của kẻ ở người đi, với man mác buồn vui của quê nhà yêu dấu cùng tấm lòng tha thiết về Thành Nam.


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

 

  CHè kho Nam Định                                                      





Đó là thứ chè ăn ngọt, dạng khô dẻo, nấu bằng đậu xanh, được bày trên đĩa nhỏ chứ không phải ăn cốc như những món chè bình thường. Món chè dân dã ấy được người dân Nam Định đãi khách trong những ngày lễ tết, hay cúng rằm. Và giờ đây, nó đã trở nên phổ biến trên đất Bắc ngay cả trong những ngày thường nhật.

Chè kho không cầu kỳ như chè cung đình Huế, không đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu như chè miền Nam. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon.


Đỗ được chọn làm chè phải ngon, khi nấu lên phải tơi màu vàng ruộm

Từ những hạt đỗ được lựa chọn kỹ càng, cẩn thận ấy, đem ngâm no nước rồi đãi sạch. Sau đó, rắc lên vài hạt muối, để ráo nước rồi đem rang trước khi xay thành bột mịn. Có bột rồi, lấy đường trắng hoặc đường phèn vào nước sôi để nguội đánh tan đường rồi trộn đều với bột và đem đun nhỏ lửa, từ đó khuấy liên tục và phải thật đều tay. Công đoạn này đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ và sự khéo léo của người nấu. Bởi, chỉ cần chểnh mảng một chút thôi là chè sẽ bị khê cháy. Khi thấy tay khuấy nặng dần, bột từ loãng thành đặc phải đợi bột sôi thêm một lúc nữa và từ từ loãng ra thì đó là lúc món chè kho đã hoàn thành. Nhìn nồi chè kho vàng sáng mịn, ăn có vị ngọt đậm, thoang thoảng mùi thơm của đỗ mới thấy được cái tài tình cũng như công sức của người nấu.

Múc chè ra đĩa, để thật nguội, rắc một chút vừng rang rồi nén lại thật chặt. Một đĩa chè như thế có thể để đến 10 – 15 ngày, không cần đến khâu bảo quản nào mà ăn vẫn thơm ngon. Đó là cái độc đáo mà không vị chè nào có được, bởi trong chè đã có một lượng đường khá lớn so với những món ăn ngọt khác.


Mỗi đĩa chè kho như thế có thể để đến 10 - 15 ngày

Ăn miếng chè kho, nhấp một ngụm trà sen, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người chủ mến khách. Chỉ từng ấy dư vị thôi nhưng cũng đủ làm khắc khoải trong ký ức của biết bao người con xa quê. Dân dã mà ấm áp đến lạ thường!

Giờ đây, trên đất Bắc ngay trong những ngày bình thường ta cũng có thể bắt gặp những đĩa chè kho thơm thảo. Nhưng dư vị của đĩa chè ấy chỉ thực sự đọng lại trong không khí ấm áp của ngày lễ, ngày tết, khi cả gia đình ngồi quây quần bên nhau, nhâm nhi chén trà nóng, cùng sẻ chia dự định tương lai.



  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS


    Bánh nhãn Hải Hậu


Nói tới chợ Cồn người Nam Định nào cũng biết địa danh thuộc thị trấn Văn Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định. Chợ Cồn còn được người ngoại tỉnh biết đến vì một loại đặc sản: bánh nhãn.



Người ta mua bánh nhãn vừa để nhớ địa danh mới lạ vừa được thưởng thức một loại bánh ngon, giòn bắt mắt của chính những chủ nhân đầu tiên đã làm ra nó.

Bánh có tên là bánh nhãn, không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ bởi những chiếc bánh này giống hệt như quả nhãn. Chất liệu làm bánh này chính là một trong những sản phẩm nông sản nổi tiếng của vùng đất nông nghiệp giàu có của tỉnh Nam Định. Đó là thứ bột làm từ loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và được xuất khẩu ra nước ngoài.



Làm được bánh nhãn cũng lắm công phu. Đó là khâu chuẩn bị nguyên liệu: Phải có đủ 4 thứ gạo nếp, trứng gà, đường kính và mỡ lợn. Gạo nếp được chọn lựa cẩn thận, đều hạt , được ngâm, xay tay bằng cối đá , làm khô bằng tấm vải lọc đặt trên thúng tro bếp. Bột phải xay thật nhuyễn bánh mới ngon, khi rán bánh không bị phồng rộp. Trước khi vo bột làm bánh, bột được nhào với trứng gà đánh nhuyễn. Một số công đoạn sau này cũng rất quan trọng.

Đó là rán bánh và thắng đường gần giống như làm bán rán thông thường. Làm như thế bánh được ngấm mỡ từ vỏ vào trong ruột. Khi chưa rán, viên bột bánh chỉ nhỏ gần bằng đầu ngón tay. Nổi lửa xong phải giữ ngọn lửa nhỏ để bánh chín thấu và phồng đều. Bánh đã chín và phồng đủ độ được vớt để ráo mỡ. Một chảo đường được đun lên chảy ra sánh vừa độ thì cho bánh đã được rán vào để "hoán" tức là đảo đều tay. Lớp nước đường sẽ thấm cả vào bên trong bánh và bọc lấy phía ngoài bánh làm thành lớp vỏ tạo độ bóng và thêm vị ngọt cho bánh. Chính nhờ thắng đường mà bánh nhãn giòn ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Những chiếc bánh nhãn đạt tiêu chuẩn phải đều nhau, nhìn bề ngoài bánh có độ bóng , màu giống hệt quả nhãn. Khi ăn có độ giòn và có vị mát. Thưởng thức bánh nhãn tốt nhất là sau khi chế biến ít ngày. Tuy nhiên với công nghệ bảo quản hiện nay có giấy bọc đẹp và giấy bóng kính bao ngoài, bánh có thể để được tới hai chục ngày sau vẫn đảm bảo chất lượng.

Bánh nhãn chợ Cồn, Hải Hậu còn được bán tại thành phố Nam Định, nên nhiều khi người ta quen gọi bánh nhãn Nam Định. Đặc sản này sánh như các đặc sản nổi tiếng của địa phương khác như bánh cáy Thái Bình, bánh đậu xanh Hải Dương, cu đơ Hà Tĩnh hay mè xửng Huế…

Người Hải Hậu rất tự hào về đặc sản quê hương. Bánh nhãn Hải Hậu góp phần làm phong phú nghệ thuật ẩm thực vùng lúa nước, tôn vinh tài nghệ những người nông dân không chỉ biết ăn no, mặc ấm mà còn biết mặc đẹp ăn ngon. Trong văn hóa bánh, quà nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, mỗi một đặc sản các vùng quê khác nhau đều có một vị trí xứng đáng, cùng nhau tôn vinh nền văn hóa dân gian Việt Nam.



  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS


Về ăn bún chả thành Nam

Bún chả là thức ăn thông thường. Ngày nghỉ cuối tuần, các bà vợ có thể làm để đãi chồng con. Đâu đây trên các đường phố, trong các khu chợ ở nhiều địa phương trong cả nước, ta vẫn gặp những hàng bún chả khói thơm nghi ngút. Nhưng có một cửa hàng bún chả đặc biệt ở thành Nam quê tôi…

Đó là một cửa hàng nhỏ ở tầng trệt của một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ ở số 44 ngõ Hai Bà Trưng - một đoạn phố nhỏ trước cửa nhà thờ Nam Định. Chủ cửa hàng bún chả có tên Nam Thành này là bà Trần Thị Bé, tuổi đã quá bảy mươi từ lâu, người thấp nhỏ nhưng nhanh nhẹn, cùng với ba người chị em cùng trạc tuổi bà và bốn cô cháu gái.

Thường mười rưỡi, mười một giờ thì có hàng. Trong khi chờ đợi tôi hay làm cái việc ngược đời là uống rượu với bún trước. Cũng những lá bún giống như bún ta vẫn có thể mua ở chợ thế mà ở đây khi được cắt ra, bày lên đĩa sao trông nó ngon lành đến thế. Tôi cầm lấy miếng bún bằng hai đầu ngón tay đưa lên cắn từng miếng nhỏ. Ăn bún không đã ngon, tưởng chừng như tôi có thể ăn hết đĩa bún uống vài chén rượu là đứng dậy ra về được rồi. Nước chấm pha tuyệt khéo. Chỉ còn phải cho thêm vào mấy lát ớt và một ít hạt tiêu. Rau muống chẻ, húng dũi, những cọng húng nhỏ tí tẹo, cọng đỏ, lá xanh, căng đầy. Đu đủ xanh thái đều miếng, ngâm vừa đủ độ, ăn vừa mềm vừa giòn.

Ở ngoài cửa, người ta đã bắt đầu nổi lửa. Mùi thơm dìu dịu. Từng gắp chả nóng được gỡ ra bát, đặt lên trên một ít hành chẻ. Những miếng chả được quạt vừa chín vẫn còn giữ nguyên màu thịt, chỉ có một lớp rộp mỏng nổi lên ở mặt miếng chả. Ăn mềm và ngọt, cái ngọt của thịt. Ta chỉ còn có thể nói rằng: “Thật đúng là chả quạt”.

Cái mùi than quạt chả sở dĩ ghi hằn trong ký ức ta có lẽ bởi vì món chả quạt dường như không hợp với những người đang sẵn mang một tâm trạng u hoài. Nó là một hiện thân của sự vui vầy, đoàn tụ và lạc quan. Nhưng bún chả vẫn chỉ là thứ quà chứ không phải món tiệc tùng. Sự hân hoan của nó không hợp với việc lưu giữ nỗi buồn đã đành mà sức vóc mảnh mai của nó cũng không giúp cho được việc đổi buồn thành vui. Bởi vậy đi ăn bún chả cũng phải dọn lòng. Không thể mang một bộ mặt nhàu nhĩ mà ngồi vào hàng bún chả!

 
Cửa hàng bún chả Nam Thành



Các gắp chả được nướng trên lửa than



Chả đã nướng chín, được gỡ ra bát với một ít hành chẻ



Miếng ngon thành Nam đã sẵn sàng…

Bún chả là thứ quà mà về nhà không phải ăn cơm nữa. Vào buổi đẹp trời, hứng chí lên ta rủ vợ con đi ăn, hoặc rủ thêm vài ba người bạn. Gian nhà nhỏ, vài dãy bàn đơn sơ nhưng sạch sẽ, một không gian êm đềm chứa chan tình thân thiện. Người uống rượu, người uống bia, có người lại uống nước ngọt… Bún chả tươi cười với tất cả.

Tên hiệu Nam Thành đã có từ lâu. Đến bà Bé là đời thứ tư. Nghĩa là phải có vài chục năm trước khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Nam Định. Những cư dân cao tuổi của thành phố vẫn còn nhớ hàng bún chả của bà Lý Tư, cụ thân sinh ra bà Bé ở phố Vải Màn. Ngày xưa khách ăn đông hơn bây giờ nhiều. Mỗi ngày làm được đến hai ba chục cân thịt. Một xu một gắp chả. Bán bún chả mà tậu được nhà. Bà Bé tham gia vào làm nghề từ năm 18 tuổi. Ông sinh thân sinh của bà là một tú tài. Ông không làm gì, chỉ ngồi chơi xem vợ con bán hàng. Nghề bún chả được truyền theo họ ngoại. Có lẽ những công việc thái, ướp, quạt chả hợp với bàn tay khéo léo của phụ nữ hơn.

Thịt heo phải là nạc vai hoặc nách, thái mỏng, ướp với trứng, nước mắm, bột ngọt, rồi kẹp vào các gắp tre. Mỗi đầu gắp tre đều được quấn một mảnh lá chuối xanh. Cả buổi sáng, một người chỉ thái được chừng ký rưỡi, hai ký thịt. Bằng ấy người phụ nữ một ngày chỉ làm được năm, sáu ký. Quạt hai lửa. Nhiều người ăn vẫn nghĩ rằng nhà hàng còn có một bí quyết hay một loại gia vị đặc biệt nào đó. Nhưng tất cả chỉ là tay nghề và sự cần mẫn.

Thi thoảng mỗi lần về Nam Định, nếu có đôi chút thảnh thơi tôi lần bước đến hàng bún chả Nam Thành, ngồi vào chiếc bàn gỗ cũ kỹ, nâng chén rượu lên nhắm với bún lá và chờ những gắp chả nóng hôi hổi sắp đem vào. Gần một chục năm đã qua, bà Bé và hai bà nữa giờ không còn, chỉ còn mỗi một bà em trông dạy mấy cô cháu nối nghề.

Một hàng ăn cao tuổi như thế này ở nước ta không có nhiều. Khi chạm đầu đũa vào miếng chả, nếu ta nhận ra rằng nó có đượm một ít mùi tre già, một ít mùi lá chuối xanh và cả mùi lửa than được lưu truyền trong quá khứ thì miếng ngon của ta sẽ thấm thía hơn nhiều.

Có dịp đến với Nam Định, bạn đừng quên thưởng thức bún chả Nam Thành!


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS



Đặc sản Nam Định - Nem tai thính lá sung - ăn là ghiền

Món này đặc sản của Nam Định mà vào Sài Gòn cứ làm bà con "chết lên chết xuống" vì ghiền í.
Nếu như bạn là người Nam Định hoặc đã từng được đến Nam Định và thưởng thức món Nem thính nổi tiếng thì chắc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh hấp dẫn cũng như mùi vị ngon miệng đặc biệt của nó. Với người Sài Gòn, việc lá sung trở thành một loại rau ăn kèm thật là hết sức lạ lẫm và ngộ nghĩnh. Có lẽ vì vậy, đến tận bây giờ cũng không ít người thấy xa lạ với món đặc sản này, nhưng người nào đã ăn rồi là dính ngay "lời nguyền": “ăn một lần thèm đến chết!”


Món này ăn một lần là ghiền luôn đó nha


Ở Hà Nội thì có lẽ nổi tiếng nhất là quán Nem tai Bà Hồng với hơn chục năm hành nghề. Riêng TP. Hồ Chí Minh thì có hiệu Nem Ông Vàng Nam Định với khá nhiều chi nhánh ở Hồng Hà (gần sân bay), Nam Kì Khởi Nghĩa (góc Phan Đình Phùng)… Quán này từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc với người Bắc vào Nam học tập và làm việc ghé đến mỗi khi thèm đặc sản quê nhà. Ngoài nem tai thì quán còn phục vụ nem nắm, nem chạo, nem chua… nhằm thỏa mãn hết nhu cầu ẩm thực của các đồng hương sống tại Sài thành.




Nem tai thính cuốn lá sung du nhập vào Nam còn được bọc bằng lớp bánh tráng nữa


Điểm cộng cho quán là ngoài cái món đặc sản nem cuốn lá sung lạ lẫm này là phong cách phục vụ. Đa số các chi nhánh đều rất nhỏ nhưng về phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm thì có lẽ là rất tốt. Cô chủ quán nói chuyện khá nhỏ nhẹ và luôn lắng nghe ý kiến cũng như chiều lòng khách. Thức ăn được bày biện gọn gàng, nhanh chóng và rau thì sạch sẽ giúp thực khách an tâm hơn cho bữa ăn của mình.
Nem thính có khi là tai heo hoặc có khi lại là thịt nạc và da heo luộc chín rồi cắt lát thật mỏng (nhưng vẫn giữ được độ giòn). Sau đó người ta tẩm ướp gia vị rồi mới cho bột thính vào trộn thật đều. Khi ăn, các bạn sẽ cảm thấy nó có một chút thơm béo trong những lát nem tai giòn ngọt, rất là lạ và ngon.
Thính + tai heo = ngon kinh khủng


Nem thính nếu so sánh thì sẽ thấy rất giống với món Bê thui của miền Nam vì đều là thịt được trộn thính rồi cuốn, dùng với nước chấm. Nhưng khác ở chỗ nem tai rất giòn nhờ vào những phần sụn ở giữa lát thịt, ăn ngon và đỡ ngán hơn. Và đặc biệt là thính này được làm từ gạo rang, đậu nành và đậu xanh nguyên chất nên có vị ngon rất thơm, không như thính làm từ bắp (của bê thui Sài Gòn). Lại thêm thành phần gia vị có mùi thơm béo nữa nên nếu lựa chọn, chắc tớ sẽ chọn món nem thính của Nam Định thôi, hihi.


Lá sung non ăn chan chát hóa ra kết hợp với tai heo lại ngon lắm í


Nếu như món thịt luộc cuốn bánh tráng ở Hoàng Ty với một mâm rau đặc sản miền núi Tây Ninh thì ở món nem cuốn lá sung này ngoài một số loại rau thơm thường gặp, khách còn được thưởng thức kèm với lá đinh lăng, lá ngò gai và đặc biệt là lá sung non. Vị ngọt của thịt, giòn của sụn, dai của da, thơm của thính và chan chat của lá sung đã tạo ra được sự hấp dẫn đến lạ kì cho món ăn dân dã này. Tuy nhiên, nước chấm đúng kiểu sẽ có thể hơi nhạt so với khẩu vị người Nam nên các bạn không quen với điều này có thể xin thêm chủ quán một ít nước mắm mặn pha vào nhé.


Còn có cả lá cây đinh lăng nữa




















  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Bánh Trưng Bà Thìn

Ai qua Yên Định hãy dừng

Hương quê xin nếm bánh chưng bà Thìn

Người Hải Hậu ai mà không nhớ và nhắc đến bánh chưng bà Thìn như một niềm tự hào.

Từ nhỏ tôi đã được nghe tiếng bánh chưng bà Thìn. Có lần quần đùi, chân đất, mấy đứa rủ nhau quốc bộ hơn chục cây số lên phố huyện, chung tiền mua một cái bánh chưng của bà ăn cho biết. Có đêm mơ, được ăn bánh bà đến đã đời. Lớn lên, đi bộ đội gần hai chục năm trời, khi khoác ba lô trở về vẫn chẳng quên dừng chân phố huyện mua bánh chưng bà Thìn.

Bánh chưng bà Thìn có từ năm 1948. Sau này khi chồng bà qua đời, bà ở vậy nuôi ba con nên người cũng nhờ vào nghề làm bánh. Bánh trở thành ấn tượng là từ khi không lực Hoa Kỳ chọn Hải Hậu làm túi đựng bom đạn thừa trước khi máy bay hốt hoảng lao ra Biển Đông. Giữa thị trấn Yên Định cạnh bến xe là cái quán cóc tuềnh toàng. Trên chõng tre có đĩa bánh chưng và bộ chén uống nước. Oai vệ nhất là cái điếu cày với hai chân choãi ra như khẩu súng trực chiến, sẵn sàng nuốt lửa, nhả khói làm tê liệt đối phương. Ấm chè xanh ủ trong giành tích sởi lởi bốn mùa cùng nụ cười đôn hậu thoáng buồn xa xăm của một phụ nữ luống tuổi luôn là nơi đầy ắp tiếng cười, nói lạc quan của khách kể cả lúc ánh đèn chai vụt tắt khi có thằng "Thần sấm" cắn trộm ào qua đêm.

Hồi ấy, cả phố huyện chỉ có một cửa hàng ăn uống quốc doanh. Nghe đâu nồi nước phở bỏ thìa mì chính phải ba người mục sở thị. Chẳng biết bánh của bà có bùa mê thuốc lú gì mà bánh vớt ra vẫn còn nóng rẫy đã hết vèo, thế là khách lần lượt bỏ phở sang ăn bánh của bà. Một lần phòng thuế đã yêu cầu bà đóng cửa một tuần, với lý do: bà lạm dụng lương thực làm bánh xa sỉ trong lúc nhà nước phải nhập lương thực từ nước ngoài phân phối chưa đủ, mặt khác gây thất thu ngân sách ở cửa hàng ăn uống. Mới đóng cửa một ngày, khách nghiền bánh đã nhao nhao cả lên làm như cả thị trấn vừa xẩy ra chuyện gì to tát lắm. May thay, được ông chủ tịch huyện giải toả. Bánh ngon, bởi cái tâm của bà đã nằm ở nhân bánh. Dù gạo kém, đậu thịt tăng giá, bánh bà không vì thế mà lỏng tay, bớt nhân, rút gạo. Theo xe bánh lên Hà Nội, theo ba lô anh bộ đội bánh lên Lạng Sơn, xuôi con tàu dập dờn bánh ghé ra tận đảo. Bánh thăm người ốm, bánh phục vụ ca ba, bánh dân quân tuần tra, bánh phòng chống bão lụt... Bọn học trò chúng tôi thì không thể thiếu bánh trong buổi bịn rịn chia tay ra trường, lúc về còn dúi vào tay mẹ chiếc bánh còn âm ấm. Mấy ông cán bộ xã đi họp huyện, khi về thể nào cũng mua vài cái bánh chưng đeo toòng teng ở tay ghi đông xe đạp về đón tay lũ trẻ đang dài cổ nuốt nước bọt oen oét ngóng chờ... Bao nhiêu người xa quê khắp chân trời, góc bể là bấy nhiêu người Hải Hậu nhớ quay quắt bánh chưng bà Thìn mỗi khi xuân về tết đế



Để có bánh chưng ngon, quả cũng công phu. Hạt nếp cái hoa vàng ở chân vàn đất thịt Hải Hậu, Quần Liêu Nghĩa Hưng tắm chung hạt phù sa đỏ nắng sông Ninh mới đủ độ béo, độ thơm dẻo cho bánh. Hạt nếp săn phải ủ cho bạc đều, chờ cho thóc ngủ sâu giấc ba tuần trăng mới được đem dùng. Trong nồi bánh, nếu không kiểm khắt khe chỉ một hạt gạo chấm đầu ruồi do bọ xít chích hút, một hạt nếp trợn, một hạt gạo tẻ, một hạt đỗ chõn... sẽ làm mất ngon mẻ bánh. Gừng già, đậu xanh, thịt lợn và các gia vị đều phải chọn cho ngang tầm ngón nghề gia truyền sẽ làm lên linh hồn của bánh. Những nắm cuộng dong xanh lót nồi, phủ bánh, chèn hông sẽ chưng cất ra thứ mầu xanh quý phái để hạt gạo đã được di dưỡng trong mầu đỏ của hạt phù sa tắm thứ mầu xanh ấy không phải ai cũng làm được. Ngọn lửa reo vui, nghe nồi bánh sôi ùng ục, phè phè hơi nóng phải biết sự kỳ diệu đang chuyển hoá trong tấm bánh tới đâu để vớt ra là vừa.

Sau lớp lá lành đùm lá rách của dong là những hạt ngọc bọc nhân, bọc cái hồn của đất, của trời... ta kính cẩn đặt lên đĩa báo cáo kết quả với tổ tiên ông bà. Chờ cho ba nén nhang đã cong trên bàn thờ ngày giỗ, tết cả nhà sẽ hỉ hả hưởng lộc. Hãy nhẩn nha cắn ngập chân răng, mùi của thịt lợn ngầy ngậy, bùi của đậu, ấm nóng của gừng, thơm rất riêng của thảo quả, bát dưa hành, thịt nấu đông ăn kèm và cái réo gọi của dạ dầy sẽ tôn vinh thú ẩm thực có từ thuở vua Hùng rồi mới nhận xét về bánh chưng bà Thìn.

Cụ Thìn đã thành người thiên cổ! Con cháu cụ chẳng vì lời lãi, cả chục người đang trăn trở với cơ man các loại bánh thời mở cửa để giữ nghề gia truyền, giữ cái tâm với khách như một điều tâm kính thiêng liêng. Không một chữ quảng cáo. Một đời sáng tạo ra cái bí quyết để giữ một loại bánh truyền thống, khi về với đất rồi mà tên bánh, tên người, địa danh hoá thành thương hiệu trong cả ngàn người như một cặp phạm trù nhân quả để lưu danh khắp từ Bắc vào Nam như bánh chưng bà Thìn thật không dễ

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS









Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ đặc biệt là cỗ Tết từ xưa đến nay, giò luôn giữ vị trí hàng mỹ vị và là món ăn không thể thiếu. Ở nhiều vùng quê, người ta đánh giá mức sang hèn của các mâm cỗ qua số lượng các đĩa giò, độ dày mỏng của các khoanh giò. Giò lụa Nam Định là món ngon, là món quà cho người thân mà các bà, các chị từ nơi xa có dịp về Thành Nam không quên mua về làm quà cho người thân: ''Giò lụa hương vị đậm đà Nếu về Nam Định mua quà cho em''

Năm 2001, gian hàng của ngành du lịch Nam Định trưng bày giới thiệu văn hóa ẩm thực quê hương có gạo Tám, giò lụa, bánh gai, bánh nhãn, kẹo lạc Sìu Châu...Trước giờkhai mạc rất nhiều các bà, các chị đã giao hẹn, đặt mua và đứng chờ, sau giờ các vị khách và Ban tổ chức ghé thăm gian hàng để mua cho được gạo tám và giò lụa Nam Định. Hàng ngày, giò lụa từ Nam Định chuyển lên không đủ để bán cho những thực khách Hà Thành vốn nổi tiếng là những người sành ăn.





Từnguyên liệu chính là thịt lợn, với đôi bàn tay khéo léo, người Nam Định đã chếbiến thành những món ngon, trở thành đặc sản như nem nắm Giao Thủy, giò lụa. Có rất nhiều loại giò làm từ thịt lợn: giò lụa (giò nạc), giò xào (giò thủ), giò thúc...mỗi loại có hương vị, cách làm riêng nhưng giò lụa lại được xếp hàng đầu, ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Chỉ mới nghe riêng cái tên thôi cũng đã gợi lên sự nuột nà của món ăn này. Nếu bạn đã một lần thưởng thức giò lụa NamĐịnh, có lẽ khó có thể quên được vị ngọt đậm đà, mềm mà vẫn giòn thơm rất riêng của loại giò được gói bằng lá chuối tây ấy. Giò lụa Nam Định ngon nổi tiếng, bởi việc chọn lựa, pha thịt, kỹ thuật chế biến thành sản phẩm rất công phu và khá cẩn trọng. Giò được làm từ thịt lợn nguyên nạc ở mông hoặc thăn. Điều đặc biệt hơn, khi làm lông lợn người ta không dùng nước sôi quá vì thịt sẽ bị đông, tái sạn, khi làm giò sẽtơi, bã. Lợn cạo sạch lông rồi phanh ra, không rửa bằng nước lã mà lấy khăn khô thấm hết nước trên mặt thịt và lọc lấy những miếng thịt mông, thịt thăn còn nóng dẻo, tươi, bỏ hết mỡ, gân, xơ. Thịt nạc lọc xong, thái miếng vuông quân cờ, độ dày vừa phải cho ngay vào cối giã liên tục. Cối giã giò phải là cối đá nặng, chày phải bằng gỗ nghiến rắn chắc. Giã giò đòi hỏi kỹ thuật, quyết định chất lượng giò. Người giã giò phải có sức khoẻ, hai tay cầm hai chày giã theo nhịp. Ban đầu, dùng một chày giã chậm cho giập thịt, sau nhanh dần, khi thịt đã nát dùng 2 chày giã nhanh, mạnh, vừa giã vừa đảo liên tục, đều tay cho thịt nhuyễn, mịn tạo ra giò sống quánh dẻo. Trước kia, giò Nam Định thường được giã thủ công, song giờ đây, công đoạn giã thịt đã được làm bằng máy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giữnguyên hương vị mà không đâu sánh được. Thịt giã gần được cho vài thìa nước mắm ngon (thường là nước mắm cá thu), cùng các gia vị vào tiếp tục thúc thật nhuyễn cho đến khi nhấc chày lên giò sống không bết dính vào đầu chày. Muốn quấn giò trắng, đẹp, thơm ngon, phải gói bằng lá chuối bánh tẻ, ngon nhất là gói bằng lá chuối tây. Lá chuối lau sạch, xếp một lớp lá non trong cùng, lá bánh tẻ ở giữa, ngoài cùng là lớp lá già. Lớp lá ấy không những giữ cho giò khỏi bị hư, mà còn tôn thêm hương sắc cho giò. Bó giò bằng lạt giang thật chặt rồi lăn nhẹ cho giò tròn trịa.



Khâu luộc giò cũng rất quan trọng, nước trong nồi phải thật sôi mới thả giò vào theo chiều đứng, ngập trong nước. Giò phải luộc vừa đủ chín, không quá lửa cũng không non quá. Khi vớt ra, nhìn bốn góc giò nở bốn hoa thị đều căng, hoặc ném xuống mặt thớt thấy nảy lên như quả bóng nghĩa là giò chín. Lúc này giò có mùi thơm, mang hương vị đặc biệt chính nhờ sự kết hợp vịthơm của lá chuối với vị thịt tươi luộc chín. Sau đó, ngâm vào nước lạnh đểgiò thêm rắn chắc. Khi thái ra, giò có màu hơi hồng, mặt giò có nhiều lỗ rỗ,tỏa mùi thơm, vị ăn ngọt, giòn, không khô rắn, không mềm nát, không bị bã, không dính dao, để lâu không thiu. Nếu đểnguyên cây giò có thể bảo quản trong nhiệt độ bình thường khoảng một tuần lễ. Miếng giò ăn béo bùi, giòn thơm làm cho chén rượu ngày xuân thêm nồng say. Giò lụa ăn cùng với bánh chưng, dưa hành có thể là món nhâm nhi của các ông, một món ăn vui, thêm đậm đà câu chuyện của các bà và là món ăn trẻ nhỏ cũng khó lắc đầu từchối. Không chỉ là một món ăn ngon trong mâm cỗ ngày Tết, giò lụa còn dùng ăn kèm với bánh dày, xôi hay cơm tám xoan Hải Hậu cũng rất ngon!


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS


Chuối Ngự - Món quà Nam Định tiến Vua


“Đọc thơ Tú Xương ăn chuối ngự”, đó là câu truyền ngôn tự hào của người dân thành Nam về quê hương mình. Nam Định có Tú xương, ông tổ của thơ ca trào phúng việt Nam, có phủ Dầy, nơi thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng trần và có cả chuối ngự - món quà tiến vua khi xưa.

Chuối ngự là một trong những đặc sản của vùng đất Nam Định thời xa xưa. Theo sử sách còn ghi thời vua Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Các vua quan Trần đánh giặc giỏi, trị thủy tài, lại thương dân như con. Cảm kích trước công lao to lớn đó, dân làng thành Nam đã trồng nên một loại sản vật quý để dâng vua đó là: chuối ngự



Chuối ngự là sản vật quý của trời đất, là kết tinh tình yêu của dân chúng đến vua Trần khi xưa. Nếu các sản vật khác khi dâng vua thường gọi là “tiến” như vải tiến (Thanh Hà, Hải Dương), nhãn tiến (Hưng Yên), chim tiến (Sâm cầm, Hồ Tây, Hà Nội), mắm tiến (Thái Bình) thì chỉ có riêng chuối được gọi là chuối ngự như là lời cảm kích trước tấm lòng của dân chúng Nam Định.

Với tên gọi sang trọng này chuối ngự đã ngang với ngự bào (áo vua mặc), ngự mã (xe vua đi), ngự thiện (đồ vua ăn). Phải chăng, vì Nam Định vốn quê hương của các vua Trần nên các đồ ăn thức uống cũng như các sản vật của vùng đất này luôn là món quà đầy ỹ nghĩa với các vua.



Chuối Ngự Nam Định, quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh. Không chỉ đẹp về màu sắc, chuối ngự còn được trời cho về dáng nữa. Trong các chuối thì dáng chuối ngự đẹp nhất, từ buồng, đến nải lẫn quả. Với dáng hình thon thả, lá xanh màu ngọc bích, hoa đỏ rực như lửa, quả vàng như tơ tăm, chuối ngự như một nàng thiếu nữ dụi dàng trong nắng mai, vươn đôi tay mềm mại kéo sợi chỉ vàng dệt vải cho quê hương.

Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, chợ Rồng lại óng ánh sắc vàng của những nải chuối ngự, làm đắm say bao người. Chuối ngự đã trở thành một loại quả đặc sản mà ai cũng muốn có để mang về làm quà cho người thân, là vật không thể thiếu trên mâm ngũ quả của mỗi gia đình khi tết đến xuân sang.



Chuối ngự đã đi vào tâm linh của người dân Nam Định, là thứ quả thiêng để dâng lên các bậc tổ tiên, thần thánh, là nỗi nhớ, niềm thương, sự ngưỡng vọng của lớp lớp người thành Nam về những vị vua linh thiêng của người Việt. Và dù thời gian có phủ mờ bao lóp bụi nhưng chuối ngự mãi là một trong những món quà quý mà trời đất đã ban cho người Nam Định, là cái hồn quê, là nỗi nhớ mênh mang của người dân Thành Nam mỗi khi xa quê, để rồi khi hương chuối thơm phản phất trong gió thoảng cũng là lúc tâm hồn người lữ khách ngồi buồn thơ thẩn nhớ cố hương.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS


Kẹo Sìu Châu Nam Định: Thức quà quý của đồng quê




Thực ra đó là một thứ kẹo lạc cao cấp (hoặc kẹo vừng, vừng pha lạc) do chính người Việt Nam sáng tạo ra từ các nguyên liệu đặc sản của nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Cửa hiệu đặt tại nhà số 4 Hàng Sắt dưới, xế cửa đền Triều Châu (Thiều Châu) ngay bến Ngự sông Vị Hoàng xưa. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XIX, hiệu kẹo lạc này đã nổi tiếng khắp Thành Nam. Nhân dân ta thường kháo nhau mỗi khi có người muốn mua một sản vật quý của địa phương để làm quà hoặc sêu Tết. Khi cửa hàng chưa có tên hiệu người ta thường gọi mộc mạc cho dễ nhớ “Hiệu kẹo ngon ở trước cửa đền Triều Châu” đó là một ngôi đền cổ của hội những người đồng hương thuộc huyện Triều Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc sang sinh cơ lập nghiệp ở đất Sơn Nam Hạ từ lâu đời. Cho nên mọi người cứ yên trí đó là thứ kẹo do người Triều Châu làm ra. Dần dần người ta gọi giản đơn hơn “Kẹo Triều Châu rồi kẹo Sìu”. Cái tên “Kẹo Sìu” có từ đấy. Sự biến thiên của ngôn ngữ thật kỳ lạ! Đến bây giờ người ta quen gọi cái tên rất dân dã là “ Kẹo Sìu”, ít người để tâm tìm hiểu lai lịch của cái tên gọi của nó.

Mãi tới năm 1880 cụ Đỗ Phúc Nhật người chủ hiệu kẹo khi xây dựng cửa hiệu thành nhà hai tầng mới đặt tên cửa hiệu là Nguyên Hương (hương vị tiết ra từ chất đường, lạc, gạo nếp thơm chứ không vay mượn hương vị bên ngoài). Những người sành ăn thường ca ngợi đặc tính của kẹo Sìu Châu Nam Định là ở cái vị nguyên hương của nó.

Ở kẹo Sìu Châu Nguyên Hương người ta thấy những hạt “lạc bò” được chọn kỹ, rang chín thấu, giòn thơm ngậy, nấu với “đường chõ” hoặc “đường phèn” (nay nấu với đường kính Vạn Điểm) quện với mạch nha chế từ gạo nếp hương và mộng mạ.

Mỗi thanh kẹo xù xì quăn queo được bao trong vỏ bột nếp hương (cái hoa vàng) của đất Quần Liêu có tác dụng vừa chống ẩm vừa để ủ cho kẹo lên hương. Cái tài tình của người chế biến là ở một thời điểm nào đó kẹo được nấu trong “chảo đồng điếu” bằng nhiệt lượng đượm của lửa than củi đã tạo nên một thứ kẹo lạc thanh có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, không dính răng, thơm lừng, ngọt đậm, để lại một dư vị vô cùng thích thú… Những ai có lần ca ngợi cái sành khôn của các cụ khi thưởng thức hương vị của kẹo mạch nha nếp hương trong tác phẩm “Hương cuội – Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân mà áp dụng cách thưởng thức tinh tế đó vào kẹo Sìu Châu Nguyên Hương sẽ còn thích thú hơn nhiều. Kẹo giòn, mềm, lại tơi, rất phù hợp với nhu cầu thưởng thức của nhiều lứa tuổi. Có người cầu kỳ đã thử độ giòn tan của kẹo Sìu Châu khi thời tiết hanh khô, thả rơi kẹo xuống mặt bàn đá hoặc gỗ lim ở độ cao 0,7m-1m, miếng kẹo vỡ tan ra từng mảnh như những mảnh pha lê màu hồng. Một đặc điểm nữa của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, do kỹ thuật độc đáo của nhà chế biến đã khử được chất hôi của dầu lạc và để được khá lâu không ỉu. Có người đã quên một gói kẹo Sìu Châu vùi trong cót thóc từ Tết Nguyên Đán cho đến tháng mười mới giở ra ăn, kẹo vẫn thơm ngon, giòn tan, hương vị vẫn đậm đà, béo ngậy.

Gần hai thế kỷ nay, tiếng lành đồn xa, kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định được nhân dân địa phương và du khách trong và ngoài nước ưa thích. Ai đến Nam Định nếu là người sành sỏi, lịch lãm đều tìm mua một vài cân kẹo Sìu Châu Nguyên Hương ở phố Hàng Sắt dưới, cùng với buồng “chuối ngự mít(1)” Đại Hoàng thường bán ở chợ Rồng là những đặc sản độc đáo của đất non Côi-sông Vỵ về làm quà. Món quà quý này khi ăn mà có một chén trà ướp sen thì thú vị biết bao !

Những người xa quê hương Nam Định hàng chục năm, mỗi lần nhớ về quê hương sông Vỵ đều nhắc đến hương vị đậm đà, mộc mạc mà thanh tao của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương cùng với những vần thơ bất hủ của cụ Tú Xương.

Nhà văn Nguyên Hồng đã miêu tả sự trân trọng của gia đình ông mỗi lần Tết về thăm quê ngoại nhất thiết phải có một cân kẹo Sìu Châu để Tết ông bà ngoại, trong cuốn “ Một tuổi thơ văn”. Nhà thơ Xuân Diệu mỗi lần bình thơ Tú Xương đều không quên nhắc tới cái hương vị đậm đà mang sắc tộc Việt Nam của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương. Nhạc sỹ Văn Ký đã đưa kẹo Sìu Châu vào một ca khúc trong vở nhạc kịch “Đảo xa” để khẳng định sự quý mến của nhân dân địa phương Nam Định đối với một thứ đặc sản quê hương. Ông Tú Xương xưa, bằng giọng thơ trào lộng đã phải lấy kẹo Sìu Châu để so sánh với cái “mứt rận” của mình:

Kẹo chú Thiều Châu đâu sánh được,
Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa !

Cụ Nguyễn Khuyến khi về ở ẩn quê nhà, có lần nhận được một cân kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định do học trò của cụ là Án sát Trần Tán Bình gửi biếu thầy. Khi ấy mắt nhà thơ đã bị loà, giở gói kẹo ra ăn, cụ vô cùng thích thú nhận ngay ra và đọc luôn:

Nguyên phùng tả hữu lai vô tận
Hương dẫn chi lan nhập tức văn.

Nhà thơ nhớ lại những ngày ở Nam Định thấy khách thập phương lui tới nhà hàng Nguyên Hương để mua kẹo suốt ngày, đông không ngớt. Và bây giờ thưởng thức miếng kẹo Sìu Châu Nguyên Hương, cái vị đặc sắc của nó ví như mùi thơm vương giả của hoa lan, cụ nhận ra ngay, đó đích thực là kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định. Một số anh em ở chiến trường B thời chiến tranh chống Mỹ mỗi khi nhớ về quê hương Nam Định thường ngồi đọc thơ Tú Xương rồi đọc một câu ca dao dân dã:

Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy hai con cọp đang nhai kẹo Sìu
Để mà vui, mà nhớ, mà cười...

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS