Bánh Gai Bà Thi

Người xưa đã thường sử dụng những sản phẩm từ cây trồng để làm nên các món ăn, các loại bánh mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Đến giờ, du khách đến mỗi địa phương đều có thể tìm cho mình một món ẩm thực khoái khẩu trong đó có các loại bánh như: Bánh cốm- Hà Nội, Bánh Phu thê- Bắc Ninh, Bánh cáy- Thái Bình, Bánh đậu xanh- Hải Dương... Và Nam Định có bánh Gai mà phải là bánh Gai Bà Thi mới ngon.

Bánh Gai bà Thi cái tên đó bắt nguồn từ đâu? Nghe các cụ kể lại rằng: Những ngày đầu trên đường Trần Hưng Đạo xuất hiện một hàng bánh gai, người bán hàng đứng tuổi với gương mặt phúc hậu xếp những khay đựng bánh gai đặt trong đôi quang gánh bằng mây niềm nở bán hàng. Đó là hàng bánh gai Bà Thi. Những ai đã từng ăn bánh của bà thì không thể nào quên được cách tiếp khách niềm nở sự ân cần của bà khi chỉ cho khách cách bóc bánh sao cho khỏi dính lá, cách ăn bánh sao cho khỏi rơi nhân. Bà Thi không trực tiếp làm bánh, nhưng nhờ cái duyên bán hàng mà bánh Gai của bà bán rất chạy và lâu dần người dân quen gọi là bánh Gai Bà Thi. Thậm chí cho đến bây giờ cái tên gọi đó vẫn quen thuộc không chỉ với người dân Thành Nam mà còn trên cả nước, thậm chí còn theo chân những du khách và nhất là Việt Kiều vượt khỏi biên giới quốc ga.


Có người cho rằng, Bánh Gai Hải Dương cũng nổi tiếng không kém. Nhưng Bánh Gai Nam Định- Bánh Gai Bà Thi vẫn giữ được hương vị riêng truyền thống. Lá gai có nhiều nơi trồng, nhưng lá gai ít chát có độ ngậy và thơm hơn cả là lá gai Trực Ninh, Xuân Trường. Bột gạo nếp xay mịn trộn với lá gai giã nhỏ, nhân làm bằng đỗ xanh đồ trộn với đường trắng, điểm thêm vài hạt mứt sen, một ít cùi dừa nạo nhỏ, vài ba miếng mỡ thái khổ, lần ngoài bánh rắc ít vừng rang thơm. Những viên mỡ trong veo long lanh hoà quyện với dừa và hạt sen ẩn mình bên trong lớp đậu xanh, khiến cho người ăn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bánh gói bằng lá chuối khô sạch đặc biệt là lá chuối ngự mua ở xã Nhân Hậu, Nhân Tiến, Lý Nhân- Hà Nam. Lá chuối ngự thường mềm và dai, có chất lụa gói đẹp. Nếu dùng lá chuối goòng (chuối tây) gói thường bị gãy và có chất chát ngấm vào bánh, làm giảm chất lượng bánh. Sau đó buộc bằng một sợi lạt giang nhuộm đỏ, buộc thành từng sâu 5 cái một. Do chế biến như thế, bánh Gai vừa có độ thơm, dẻo của gạo nếp, vừa có độ ngọt của đường, độ béo ngậy của mỡ, bùi bùi của đỗ xanh và dừa nạo, mà khi nhai thì nghe cứ sần sật.




Lá gai - nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh


Bánh gai Nam Định đặc biệt là bánh Gai Bà Thi thì dù có để lâu vẫn giữ được độ thơm, độ mềm dẻo, và béo ngậy. Bánh Gai người ta không ăn lấy no mà chỉ ăn cho đỡ thèm. Ngày nay, về Nam Định đi dọc phố Trần Hưng Đạo ta có thể bắt gặp rất nhiều cửa hàng bày bán bánh Gai Bà Thi. nhu cầu của người dân thì cũng xuất hiện thêm nhiều tuyến phố bày bán bánh Gai Bà Thi trong đó phải kể đến đường Điện Biên từ dưới Bến xe lên đến tận cầu ốc. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống thì nghề làm bánh Gai và bán Bánh Gai đã giải quyết số lượng lớn lao động trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Cùng với bánh Nhãn, Kẹo Sìu Châu, Bánh Gai Bà Thi đã làm phong phú thêm nét văn hoá ẩm thực của Thành Nam và của cả nước. Nhiều du khách nhất là Việt Kiều về quê ăn tết hàng năm đều ra đi với những xấp bánh gai nằm lặng lẽ trong valy như gói ghém tâm tình của kẻ ở người đi, với man mác buồn vui của quê nhà yêu dấu cùng tấm lòng tha thiết về Thành Nam.


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét