Bánh Trưng Bà Thìn

Ai qua Yên Định hãy dừng

Hương quê xin nếm bánh chưng bà Thìn

Người Hải Hậu ai mà không nhớ và nhắc đến bánh chưng bà Thìn như một niềm tự hào.

Từ nhỏ tôi đã được nghe tiếng bánh chưng bà Thìn. Có lần quần đùi, chân đất, mấy đứa rủ nhau quốc bộ hơn chục cây số lên phố huyện, chung tiền mua một cái bánh chưng của bà ăn cho biết. Có đêm mơ, được ăn bánh bà đến đã đời. Lớn lên, đi bộ đội gần hai chục năm trời, khi khoác ba lô trở về vẫn chẳng quên dừng chân phố huyện mua bánh chưng bà Thìn.

Bánh chưng bà Thìn có từ năm 1948. Sau này khi chồng bà qua đời, bà ở vậy nuôi ba con nên người cũng nhờ vào nghề làm bánh. Bánh trở thành ấn tượng là từ khi không lực Hoa Kỳ chọn Hải Hậu làm túi đựng bom đạn thừa trước khi máy bay hốt hoảng lao ra Biển Đông. Giữa thị trấn Yên Định cạnh bến xe là cái quán cóc tuềnh toàng. Trên chõng tre có đĩa bánh chưng và bộ chén uống nước. Oai vệ nhất là cái điếu cày với hai chân choãi ra như khẩu súng trực chiến, sẵn sàng nuốt lửa, nhả khói làm tê liệt đối phương. Ấm chè xanh ủ trong giành tích sởi lởi bốn mùa cùng nụ cười đôn hậu thoáng buồn xa xăm của một phụ nữ luống tuổi luôn là nơi đầy ắp tiếng cười, nói lạc quan của khách kể cả lúc ánh đèn chai vụt tắt khi có thằng "Thần sấm" cắn trộm ào qua đêm.

Hồi ấy, cả phố huyện chỉ có một cửa hàng ăn uống quốc doanh. Nghe đâu nồi nước phở bỏ thìa mì chính phải ba người mục sở thị. Chẳng biết bánh của bà có bùa mê thuốc lú gì mà bánh vớt ra vẫn còn nóng rẫy đã hết vèo, thế là khách lần lượt bỏ phở sang ăn bánh của bà. Một lần phòng thuế đã yêu cầu bà đóng cửa một tuần, với lý do: bà lạm dụng lương thực làm bánh xa sỉ trong lúc nhà nước phải nhập lương thực từ nước ngoài phân phối chưa đủ, mặt khác gây thất thu ngân sách ở cửa hàng ăn uống. Mới đóng cửa một ngày, khách nghiền bánh đã nhao nhao cả lên làm như cả thị trấn vừa xẩy ra chuyện gì to tát lắm. May thay, được ông chủ tịch huyện giải toả. Bánh ngon, bởi cái tâm của bà đã nằm ở nhân bánh. Dù gạo kém, đậu thịt tăng giá, bánh bà không vì thế mà lỏng tay, bớt nhân, rút gạo. Theo xe bánh lên Hà Nội, theo ba lô anh bộ đội bánh lên Lạng Sơn, xuôi con tàu dập dờn bánh ghé ra tận đảo. Bánh thăm người ốm, bánh phục vụ ca ba, bánh dân quân tuần tra, bánh phòng chống bão lụt... Bọn học trò chúng tôi thì không thể thiếu bánh trong buổi bịn rịn chia tay ra trường, lúc về còn dúi vào tay mẹ chiếc bánh còn âm ấm. Mấy ông cán bộ xã đi họp huyện, khi về thể nào cũng mua vài cái bánh chưng đeo toòng teng ở tay ghi đông xe đạp về đón tay lũ trẻ đang dài cổ nuốt nước bọt oen oét ngóng chờ... Bao nhiêu người xa quê khắp chân trời, góc bể là bấy nhiêu người Hải Hậu nhớ quay quắt bánh chưng bà Thìn mỗi khi xuân về tết đế



Để có bánh chưng ngon, quả cũng công phu. Hạt nếp cái hoa vàng ở chân vàn đất thịt Hải Hậu, Quần Liêu Nghĩa Hưng tắm chung hạt phù sa đỏ nắng sông Ninh mới đủ độ béo, độ thơm dẻo cho bánh. Hạt nếp săn phải ủ cho bạc đều, chờ cho thóc ngủ sâu giấc ba tuần trăng mới được đem dùng. Trong nồi bánh, nếu không kiểm khắt khe chỉ một hạt gạo chấm đầu ruồi do bọ xít chích hút, một hạt nếp trợn, một hạt gạo tẻ, một hạt đỗ chõn... sẽ làm mất ngon mẻ bánh. Gừng già, đậu xanh, thịt lợn và các gia vị đều phải chọn cho ngang tầm ngón nghề gia truyền sẽ làm lên linh hồn của bánh. Những nắm cuộng dong xanh lót nồi, phủ bánh, chèn hông sẽ chưng cất ra thứ mầu xanh quý phái để hạt gạo đã được di dưỡng trong mầu đỏ của hạt phù sa tắm thứ mầu xanh ấy không phải ai cũng làm được. Ngọn lửa reo vui, nghe nồi bánh sôi ùng ục, phè phè hơi nóng phải biết sự kỳ diệu đang chuyển hoá trong tấm bánh tới đâu để vớt ra là vừa.

Sau lớp lá lành đùm lá rách của dong là những hạt ngọc bọc nhân, bọc cái hồn của đất, của trời... ta kính cẩn đặt lên đĩa báo cáo kết quả với tổ tiên ông bà. Chờ cho ba nén nhang đã cong trên bàn thờ ngày giỗ, tết cả nhà sẽ hỉ hả hưởng lộc. Hãy nhẩn nha cắn ngập chân răng, mùi của thịt lợn ngầy ngậy, bùi của đậu, ấm nóng của gừng, thơm rất riêng của thảo quả, bát dưa hành, thịt nấu đông ăn kèm và cái réo gọi của dạ dầy sẽ tôn vinh thú ẩm thực có từ thuở vua Hùng rồi mới nhận xét về bánh chưng bà Thìn.

Cụ Thìn đã thành người thiên cổ! Con cháu cụ chẳng vì lời lãi, cả chục người đang trăn trở với cơ man các loại bánh thời mở cửa để giữ nghề gia truyền, giữ cái tâm với khách như một điều tâm kính thiêng liêng. Không một chữ quảng cáo. Một đời sáng tạo ra cái bí quyết để giữ một loại bánh truyền thống, khi về với đất rồi mà tên bánh, tên người, địa danh hoá thành thương hiệu trong cả ngàn người như một cặp phạm trù nhân quả để lưu danh khắp từ Bắc vào Nam như bánh chưng bà Thìn thật không dễ

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét